Kinh nghiệm khi đi phỏng vấn làm part time

Các bạn PG, PB thân mến,

Khi các bạn đến phỏng vấn là các bạn mong muốn được làm công việc đó. Nhà tuyển dụng cũng mong muốn đáp lại công sức của các bạn, nhưng do yêu cầu công việc và số lượng tuyển có hạn nên không phải bạn nào cũng được nhận làm việc.

Vì sao tôi không được chọn? Đó là câu hỏi mà chắc hẳn bạn nào cũng thắc mắc, và có nhiều nguyên nhân trả lời cho câu hỏi của bạn:

– Yêu cầu công việc: có chương trình yêu cầu ngoại hình, có chương trình đòi hỏi chỉ cần chịu khó, lanh lợi… vì vậy nhà tuyển dụng sẽ chọn các ứng viên phù hợp với yêu cầu của chương trình. Vì thế đừng thắc mắc đại loại như ” Sao tôi xinh đẹp thế này mà không được tuyển” nhé.

– Số lượng tuyển dụng: Một chương trình chỉ tuyển có 20 người mà đến cả trăm người ứng tuyển thì cho dù có rất nhiều ứng viên đạt yêu cầu thì chúng tôi cũng chỉ có thể chọn được 20 người. Các bạn khác đành hẹn lần khác vậy.

Nhưng yếu tố đóng góp phần nhiều vào quyết định lựa chọn bạn chính là bản thân bạn. Chúng tôi nhận thấy nhiều bạn có lẽ do còn thiếu kinh nghiệm nên chưa chú trọng đến kỹ năng phỏng vấn. Nhân đây chúng tôi xin chia sẻ một số bí quyết để gây ấn tượng cho người tuyển dụng. Các bạn hãy lưu ý vì nó không chỉ có ích khi đi phỏng vấn ở cty Clover mà cần thiết cho tất cả các cuộc phỏng vấn làm part time của các bạn.

– Bề ngoài:

Khác với việc ứng tuyển làm nhân viên văn phòng cần ăn mặc nghiêm túc, công việc làm PG, PB … part time không đòi hỏi bạn đi phỏng vấn phải sơ mi đóng thùng, mặt mũi nghiêm trang…. vì như thế lại không phù hợp với tính chất công việc. Nên ăn mặc thoải mái, hợp thời, chương trình nào đòi hỏi ngoại hình thì ăn mặc mô đen, chương trình nào không đòi hỏi ngoại hình lắm thì cũng không cần quá se sua. Ví dụ đi phỏng vấn phát tờ rơi ở ngã tư mà ăn mặc cứ như sắp đi dạ hội thì nhà tuyển dụng lại suy nghĩ: “Trông tiểu thơ thế này liệu có chịu khó làm việc không hay làm 1 chút đã than mệt đây?” Nếu khoác trên người bộ đồng phục của một chương trình nào khác và cho nhà tuyển dụng biết bạn vừa làm chương trình đó xong thì càng gây ấn tượng. Nhưng có thể nhiều nhà tuyển dụng lại nghĩ rằng “Bạn chạy show nhiều vậy liệu có đảm bảo thời gian cho công việc mà họ sắp tuyển không” cho nên cũng tùy hoàn cảnh mà bạn quyết định mặc thế nào.

Đầu tóc nên gọn gàng và nhớ make up nhẹ (nếu là nữ). Việc trang điểm quan trọng lắm vì nó vừa làm bạn đẹp hơn, vừa chứng tỏ sự chuyên nghiệp của bạn, nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao các ứng viên biết make up.

Sự thật là nhà tuyển dụng thường ưu tiên những người không đeo kính hơn, nhất là các chương trình đòi hỏi ngoại hình, cho nên bạn nên bỏ kính ra nếu không cận nặng lắm hoặc có điều kiện thì đeo kính sát tròng khi đi phỏng vấn và làm việc.

– Thái độ trong lúc phỏng vấn:

Hãy tươi tắn lên một chút, đừng làm bộ mặt đăm chiêu, căng thẳng hoặc bí xị như đang bị ép cung, nhà tuyển dụng không đánh giá cao bạn vì người làm PB, PG cần luôn giữ bộ mặt tươi tắn trước khách hàng.

Nên lễ phép, đúng mực, đừng tỏ ra chảnh hay bất cần nếu bạn không muốn bị gạch tên ngay.

Trong thời gian chờ đợi, nên đi lại nhẹ nhàng, nói chuyện đủ nghe, đừng cười đùa ồn ã với nhóm bạn đi cùng hay nói điện thoại oang oang như đang ở nhà. Thời gian phỏng vấn chỉ có ít phút thôi nên cũng nên hạn chế sử dụng điện thoại khi đã vào phòng phỏng vấn.

Thái độ thiếu chủ động cũng là một điểm trừ. Thay vì cứ ngồi chờ nhà tuyển dụng hỏi cung từng câu bạn hãy chủ động cung cấp cho họ các thông tin về mình: tên, kinh nghiệm làm việc nếu có, điều gì làm bạn nghĩ bạn sẽ làm tốt công việc này, và hỏi xem họ cần thêm thông tin gì không … Nhà tuyển dụng cũng đánh giá cao các bạn biết đặt câu hỏi ngược lại cho nhà tuyển dụng, nó chứng tỏsự tự tin, chủ động của bạn và cho thấy bạn thực sự quan tâm đến công việc. Nên nhớ rằng, dù đối với bất cứ công việc nào, yêu cầu ra sao, sự lanh lợi của ứng viên luôn nhận được ấn tượng tốt từ nhà tuyển dụng. Hãy thể hiện nó bằng một sự thoải mái, chứ cũng đừng quá lên gân nha bạn.

– Kinh nghiệm làm việc:

Không phải ai cũng có kinh nghiệm làm việc, chúng tôi biết điều đó. Vì vậy nếu thực sự có kinh nghiệm thì bạn hãy liệt kê nó ra còn không có thì thôi.

Nếu có kinh nghiệm hãy nói kiểu như :” Em đã từng làm từng làm PG cho hãng A, lúc đó em làm công việc tặng quà cho khách hàng ở Coopmart Đinh Tiên Hoàng trong 3 tuần”. Rất có thể nhà tuyển dụng sẽ còn quan tâm về công việc đó và hỏi thêm về nó. Đừng nên liệt kê tràng giang đại hải mà chung chung cho có kiểu như “em đã từng làm cho hãng A, hãng B, hãng C…” nhưng nếu hỏi cụ thể thì chỉ nói loanh quanh cho xong. Nếu thực sự quan tâm đến bạn, nhà tuyển dụng sẽ hỏi thêm, còn không thì chỉ gật gù, họ đủ kinh nghiệm để biết ứng viên nào đang nói thật hay không, cho nên nếu họ không hỏi gì về công việc đó thì đừng nghĩ họ tin những gì bạn cung cấp nhé.

Nếu chưa có kinh nghiệm thì sao? Cũng cứ nên thật thà trình bày: “về việc này em chưa có kinh nghiệm nhưng em tin mình làm được bởi vì …”. Vẫn có rất nhiều cơ hội cho các bạn chưa có kinh nghiệm đó các bạn à.

Làm gì để nhà tuyển dụng nhớ đến bạn:

Hãy hỏi họ xem họ có cần cung cấp thêm thông tin như CV xin việc hay gửi hình qua email không. Nếu bạn tự tin là mình có những tấm ảnh đẹp hãy tìm cách gửi qua mail cho họ. Sẽ rất tốt nếu sáng họ phỏng vấn bạn, chiều lại nhận được 1 email có thông tin và hình ảnh đầy đủ kèm theo lời nhắn:”Em vừa phỏng vấn sáng nay, em gửi thêm thông tin phòng khi anh/chị cần thêm.” Nhưng lưu ý nhiều công ty lại không thích tiếp nhận tuyển dụng qua email.

Một lưu ý nữa khi các bạn dự tuyển qua mail. Hãy ghi rõ thông tin chiều cao, cân nặng, và gửi cho họ những bức hình sáng sủa, dễ nhìn, nếu là hình ảnh chụp lúc bạn đang làm việc nữa thì càng tốt. Đừng gởi ảnh mờ mờ, tối tối, ảnh tự chụp qua điện thoại, ảnh chụp chung với người khác hoặc trong một tư thế hết sức nhí nhảnh, nếu như vậy thà khỏi gởi nếu bạn không muốn làm mất hình ảnh của mình trước nhà tuyển dụng.

Nói chung, đã là PG chuyên nghiệp, nhất là các công việc đòi hỏi ngoại hình, cần “lận lưng” sẵn các thứ sau, nhất định có lúc bạn dùng đến:

– CV xin việc, với các thông tin về bản thân, kinh nghiệm làm việc

– Một số tấm hình sáng sủa, chụp chân dung và toàn thân đang đứng, hình các bạn đang làm chương trình. Chúng tôi khuyên bạn nên chụp ngoại cảnh (nhưng nhớ là phải chụp đẹp nha) hơn là studio, vì trong studio hình được chỉnh photoshop kỹ quá, nhà tuyển dụng sẽ nghi ngờ về tính chân thực của “nhan sắc” bạn. Có thể đầu tư bằng cách thuê người chụp ảnh chuyên nghiệp chụp, không thì chụp bằng điện thoại hoặc máy kỹ thuật số cũng không sao, miễn là không lem nhem và tối om. Và tối kỵ là chụp hình mà đeo kính đen nhé, bạn đang muốn nhà tuyển dụng xem mặt bạn hay xem đôi kính đẹp của bạn thế. #

Hy vọng một số kinh nghiệm trên sẽ hữu ích cho công việc làm PG của bạn.

Thân,

Clover